Hằng Nguyễn

Blog cá nhân chia sẻ kinh nghiệm đi làm, bí quyết làm đẹp và mọi trải nghiệm cuộc sống.

Sổ trắng, sổ đỏ, sổ hồng & những điều có thể bạn chưa biết

Sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng là những cụm từ được sử dụng phổ biến trong các thủ tục, hoạt động, giao dịch liên quan đến đất đai. Tuy sử dụng nhiều nhưng thực tế, bạn đã hiểu hết bản chất, giá trị pháp lý của chúng?

Sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng đều là những loại sổ liên quan đến việc ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất nhưng được ra đời và tồn tại ở các thời điểm khác nhau, không đồng nhất về bối cảnh xã hội, hệ thống pháp luật. Do đó, tên gọi thực của chúng cũng không phải như vậy mà chỉ là cách người dân gọi theo màu sắc cho ngắn gọn, dễ hiểu.

Sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng

Tuy nhiên, với ý nghĩa quan trọng trong việc ràng buộc nghĩa vụ, quyền lợi của người được cấp, những loại sổ này cần được hiểu một cách chính xác để giảm bớt rủi ro khi mua bán, tặng cho hoặc có bất kỳ hoạt động nào liên quan phát sinh.

Bài viết này sẽ chỉ cho các bạn những điểm cơ bản nhất nhưng cũng là quan trọng nhất đối với 03 loại sổ này.

Sổ trắng

Đến nay, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định hay nêu rõ khái niệm sổ trắng là gì. Tuy nhiên, thông qua thực tiễn ở một số địa phương, sổ trắng có thể là:

  • Giấy tờ cấp trước 30/4/1975: có văn tự đoạn mãi bất động sản (nhà ở và đất ở), bằng khoán điền thổ;
  • Giấy tờ cấp sau 30/4/1975: có giấy phép mua bán nhà, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận (hoặc quyết định) của UBND cấp huyện công nhận quyền sở hữu nhà ở,…

Các loại giấy tờ được xem là sổ trắng

Có thể hiểu, sổ trắng là loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp của người tạo lập, được cơ quan có thẩm quyền cấp đúng với quy định pháp luật tại thời điểm đó.

Cơ quan có thẩm quyền cấp

  • Cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ;
  • Cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam

Sổ trắng được cấp cho trên phạm vi cả nước, đối với tất cả các loại đất cho những ai có đủ điều kiện để cấp giấy. Tuy nhiên, theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007, bắt đầu từ 01/01/2008, sổ trắng nếu muốn giao dịch thì phải đổi qua sổ hồng hoặc sổ đỏ để phù hợp với các quy định hiện hành.

Sổ đỏ

Tên đầy đủ của sổ đỏ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, căn cứ theo - Nghị định 64-CP và Thông tư 346/1998/TT-TCĐC về hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là những cơ quan có thẩm quyền cấp loại sổ này.

sổ đỏ

Những loại đất được cấp trong sổ đỏ bao gồm: Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối và đất ở nông thôn. Các cá nhân và hộ gia đình có đủ điều kiện theo luật định, khi tiến hành đúng trình tự, thủ tục sẽ được cấp sổ theo đúng hiện trạng đất đang sử dụng.

Sổ hồng

Riêng sổ hồng cũng có tới hai loại, là sổ hồng cũ và sổ hồng mới:

  • Tên gọi pháp lý của sổ hồng cũ là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (Theo Nghị định 60-CP về quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở tại đô thị.
  • Tên gọi pháp lý của sổ hồng mới là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sỏ hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất)

sổ hồng

Thẩm quyền cấp:

  • Sổ hồng cũ: UBND cấp tỉnh; ngoài ra còn ủy quyền cho UBND quận, thị xã cấp sổ trong phạm vi địa bàn
  • Sổ hồng mới: UBND cấp tỉnh; một số trường hợp uỷ quyền cho UBND cấp huyện

Loại đất và đối tượng được cấp:

  • Sổ hồng cũ: Đất ở đô thị cho bất kỳ ai có đủ điều kiện
  • Sổ hồng mới: Tất cả các loại đất cho bất kỳ ai có đủ điều kiện

Từ ngày 10/12/2009 thì người sử dụng đất sẽ được cấp theo mẫu Giấy chứng nhận mới áp dụng chung trên phạm vi cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (sổ hồng mới). Tuy nhiên, sổ đỏ và sổ hồng cũ được cấp trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị và không phải đổi sang loại giấy chứng nhận mới.

Sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng là các loại giấy tờ quan trọng đối với cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác trên đất. Việc hiểu về các loại sổ này là thực sự cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như tuân thủ đúng quy định pháp luật trong các tình huống liên quan.

Xem thêm: