Hằng Nguyễn

Blog cá nhân chia sẻ kinh nghiệm đi làm, bí quyết làm đẹp và mọi trải nghiệm cuộc sống.

Phân biệt các loại thủ tục liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng hiện nay

Các thủ tục liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng hiện nay dựa trên đặc điểm, tính chất pháp lý để đặt tên. Giữa các thủ tục này vẫn thường xuyên gây ra nhầm lẫn trong việc chuẩn bị hồ sơ và liên hệ với cơ quan có thẩm quyền.

Trước đây, sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng là cách gọi “dân dã” vẫn được dùng để chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất; sau này thống nhất thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sổ đỏ, sổ hồng

Dù thay đổi về tên gọi nhưng bản chất pháp lý vẫn là văn bản ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, sự tồn tại giữa sổ cũ và số mới cũng gây ra một số bất cập trong quản lý, giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, đặc điểm của đất đai, nhà ở - đối tượng được ghi nhận trong giấy chứng nhận cũng được điều chỉnh bởi những quy định riêng. Do đó, người sử dụng đất đai, nhà ở trên thực tế phải tiến hành nhiều thủ tục liên quan nhưng vì không hiểu rõ bản chất nên thường gặp khó khăn.

Bài viết này sẽ chỉ ra một vài thủ tục phổ biến liên quan đến Giấy chứng nhận hiện nay.

Cấp mới Giấy chứng nhận

Cấp mới chính là thủ tục “Đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu”. Thủ tục này dành cho các đối tượng đã sử dụng, khai thác đất đai, đủ điều kiện nhưng chưa có Giấy chứng nhận ghi nhận quyền lợi cho mình.

Đối tượng, điều kiện, hồ sơ, quá trình thực hiện đã được nêu rõ ở bài viết Điều kiện, thủ tục cấp sổ đỏ mới nhất theo quy định hiện hành.

Cấp đổi Giấy chứng nhận

Khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định cụ thể 04 trường hợp đủ điều kiện để xin cấp đổi Giấy chứng nhận như sau:

  • Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10/12/2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;
  • Do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất;
  • Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.

Hồ sơ cấp đổi bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
  • Bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi dồn điền đổi thửa, đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng.

Hồ sơ được nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cũng có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.

Các thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ

Cấp lại Giấy chứng nhận

Trường hợp Giấy chứng nhận bị mất, thất lạc, cá nhân có thể thực hiện thủ tục Cấp lại sổ đỏ để được nhận sổ đỏ mới. Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về việc cấp giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất như sau:

  • Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy bân nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất do thiên tai, hỏa hoạn.
  • Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
  • Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;
  • Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

Trên đây là cách phân biệt một số thủ tục liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng hiện nay. Việc nắm rõ những thủ tục này giúp người dân thuận lợi hơn trong việc thực hiện, tiết kiệm thời gian và bảo vệ tốt quyền lợi cho mình.

Xem thêm